Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2015

Trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu sẽ chặt chẽ hơn

Có hiệu lực từ hôm nay (1/7), Nghị định 46/2015/NĐ-CP sẽ góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng.

Trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu sẽ chặt chẽ hơn

Để thống nhất và đồng bộ trong công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng cả trong quá trình khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng, vận hành, khai thác, sử dụng và bảo trì công trình xây dựng phù hợp với quy định của Luật Xây dựng 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 46/2015/NĐ-CP về quản lý chất lượng và bảo trì công trình xây dựng, thay thế Nghị định 15/2013/NĐ-CP và Nghị định 114/2010/NĐ-CP.
Nghị định đã làm rõ thêm một số nguyên tắc liên quan đến trách nhiệm của các chủ thể trong công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng như trách nhiệm của chủ đầu tư, nhà thầu tham gia hoạt động xây dựng, trách nhiệm của các cơ quan chuyên môn về xây dựng; phân định trách nhiệm quản lý chất lượng công trình xây dựng giữa chủ đầu tư và các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng…
Cụ thể, nhà thầu khi tham gia hoạt động xây dựng phải có đủ điều kiện năng lực theo quy định, phải có biện pháp tự quản lý chất lượng các công việc xây dựng do mình thực hiện. Nhà thầu chính hoặc tổng thầu có trách nhiệm quản lý chất lượng công việc do nhà thầu phụ thực hiện.
Chủ đầu tư sẽ có trách nhiệm tổ chức quản lý chất lượng công trình phù hợp với hình thức đầu tư, hình thức quản lý dự án, hình thức giao thầu, quy mô và nguồn vốn đầu tư trong quá trình thực hiện đầu tư xây dựng công trình...
Các cơ quan chuyên môn về xây dựng sẽ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra công tác quản lý chất lượng của các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình; thẩm định thiết kế, kiểm tra công tác nghiệm thu công trình xây dựng, tổ chức thực hiện giám định chất lượng công trình xây dựng; kiến nghị và xử lý các vi phạm về chất lượng công trình xây dựng theo quy định của pháp luật.
Phân định rõ trách nhiệm của nhà thầu cung ứng sản phẩm xây dựng, vật liệu xây dựng; nhà thầu chế tạo, sản xuất vật liệu xây dựng, cấu kiện và thiết bị sử dụng cho công trình xây dựng; nhà thầu thi công xây dựng công trình; giám sát thi công xây dựng công trình và các nhà thầu khác có liên quan.
Thanh Ngà
Theo Trí thức trẻ

Từ 5/8/2015, siết chặt công tác quản lý các dự án đầu tư xây dựng

Từ 5/8, siết chặt công tác quản lý các dự án đầu tư xây dựng
Nghị định 59/2015/NĐ-CP sẽ góp phần nâng cao công tác quản lý vốn nhà nước và đảm bảo tính khả thi khi Luật Xây dựng 2014 đi vào cuộc sống

Từ ngày 5/8/2015 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số nội dung thi hành Luật Xây dựng năm 2014 về quản lý dự án đầu tư xây dựng chính thức có hiệu lực.

Nghị định 59 quy định cụ thể việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án; thực hiện dự án; kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng; hình thức và nội dung quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Luật Xây dựng năm 2014 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ 1/7 được coi như bước ngoặt đánh dấu sự đổi mới kế tiếp về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân và quản lý nhà nước trong hoạt động đầu tư xây dựng. Để Luật Xây dựng 2014 sớm đi vào cuộc sống, Nghị định 59 đã quy định rõ các nguyên tắc cơ bản của quản lý dự án đầu tư xây dựng.
Nghị định nêu rõ, quản lý dự án đầu tư xây dựng phải đảm bảo nguyên tắc quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, của người quyết định đầu tư, chủ đầu tư và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến thực hiện các hoạt động đầu tư xây dựng của dự án. 

Dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn ngân sách nhà nước được quản lý chặt chẽ, toàn diện, theo đúng trình tự để bảo đảm mục tiêu đầu tư, chất lượng, tiến độ thực hiện, tiết kiệm chi phí và đạt được hiệu quả dự án.

Dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) có cấu phần xây dựng được quản lý như đối với dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách theo quy định của nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Công trình sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách được Nhà nước quản lý về chủ trương đầu tư, mục tiêu, quy mô đầu tư, chi phí thực hiện, các tác động của dự án đến cảnh quan, môi trường, an toàn cộng đồng, quốc phòng, an ninh và hiệu quả của dự án. Chủ đầu tư tự chịu trách nhiệm quản lý thực hiện dự án theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn khác được Nhà nước quản lý về mục tiêu, quy mô đầu tư và các tác động của dự án đến cảnh quan, môi trường, an toàn cộng đồng và quốc phòng, an ninh. 

Nghị định cũng phân loại rõ quy mô các dự án theo quy mô, tính chất, loại công trình chính của dự án gồm: Dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, dự án nhóm B và dự án nhóm C theo các tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công.

Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình chỉ cần yêu cầu lập Báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng gồm: Công trình xây dựng sử dụng cho mục đích tôn giáo; công trình xây dựng mới, sửa chữa, cải tạo, nâng cấp có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng, không bao gồm tiền sử dụng đất.

Dự án đầu tư xây dựng được phân loại theo loại nguồn vốn sử dụng gồm: dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, dự án sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách và dự án sử dụng vốn khác.

Lan Nhi
Theo Trí thức trẻ

Sáu điểm mới “cốt lõi” trong Luật Xây dựng sửa đổi

Luật xây dựng 2014 gồm 10 chương, 168 điều tăng 01 chương, 45 điều so với Luật xây dựng 2003, và có hiêu lực thi hành từ 01/01/2015.

Sáu điểm mới “cốt lõi” trong Luật Xây dựng sửa đổi
Thứ trướng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khán
Về Luật Xây dựng, theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, nguyên tắc cơ bản và cũng là nội dung cốt lõi của Luật này là đổi mới phương thức và nội dung quản lý dự án, nhất là các dự án sử dụng vốn Nhà nước, khắc phục thất thoát và lãng phí, nâng cao chất lượng các công trình xây dựng. 

Luật Xây dựng 2014 với nhiều điểm mới sẽ tăng cường kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng ở tất cả các khâu trong quá trình đầu tư xây dựng, đảm bảo công khai, minh bạch về quy trình cấp giấy phép xây dựng; khắc phục trình trạng quy hoạch chồng lấn, quy hoạch treo, đảm bảo dự án đầu tư xây dựng đúng mục tiêu, chất lượng, hiệu quả, nâng cao vai trò quản lý của Nhà nước về xây dựng. 
Ngày 10/7, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo về Lệnh của Chủ tịch nước công bố 11 luật và 1 nghị quyết, trong đó có Luật xây dựng sửa đổi được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 7, ngày 18/6/2014.
Thứ trướng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh cho biết: Luật xây dựng 2014 gồm 10 chương, 168 điều tăng 01 chương, 45 điều so với Luật xây dựng 2003, và có hiêu lực thi hành từ 01/01/2015 đã khắc phục những hạn chế tồn tại và có nhiều điểm mới phù hợp hơn so với Luật hiện hành.
Trong phần giới thiệu 6 nội dung "cốt lõi" của Luật xây dựng sửa đổi, Thứ trưởng Xây dựng Khánh đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố chống lãng phí đầu tư vốn ngân sách sẽ được siết chặt.
Thứ nhất, hiện nay đa số các dự án sử dụng vốn nhà nước đều lựa chọn áp dụng mô hình tổ chức ban quản lý dự án để trực tiếp quản lý từng dự án đầu tư xây dựng đơn lẻ. Cách làm này dẫn đến gia tăng về số lượng ban quản lý dự án, nhưng hạn chế về năng lực.
Để khắc phục, Luật đã bổ sung quy định hình thức ban quản lý chuyên nghiệp, ban quản lý khu vực đối với các công trình đầu tư công.
Không chỉ áp dụng với các dự án vốn ngân sách, những dự án chuyên ngành sử dụng vốn nhà nước ngoài ngân sách của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cũng phải vận hành theo cơ chế này.
Thứ hai, Luật cũng tập trung vào vấn đề đổi mới kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng ở tất cả các khâu của quá trình đầu tư.
Trong đó, yêu cầu cơ quan chuyên môn về xây dựng phải tăng cường kiểm soát quá trình xây dựng trong tất cả các khâu nhằm chống thất thoát lãng phí, nâng cao chất lượng công trình xây dựng.
Theo lãnh đạo Bộ Xây dựng khắc phục tình trạng thiếu trách nhiệm trong việc quản lý dự án, trong Luật Xây dựng sửa đổi đã đưa ra 5 hình thức quản lý dự án.
Theo đó, nét đổi mới chính là yêu cầu phải thành lập các ban quản lý chuyên nghiệp, trong đó có Ban quản lý khu vực, Ban quản lý chuyên ngành thay vì trước đây các ban quản lý được thành lập chủ yếu theo từng công trình xây dựng.
"Điểm mới này sẽ giúp giảm bớt đi nhiều số lượng các ban quản lý dự án, tiết kiệm kinh phí, khắc phục tình trạng dự án kéo dài, đội giá, chất lượng kém, thất thoát...", Thứ trưởng Khánh nói.
Thứ ba, phạm vi của Luật xây dựng điều chỉnh các hoạt động đầy tư xây dựng từ khâu quy hoạch xây dựng, lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng cho đến khảo sát, thiết kế thi công xây dựng, nghiệm thu, bàn giao bảo hành, bảo trì các công trình xây dựng.
Sự điều chỉnh này áp dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng thuộc mọi nguồn vốn.
Theo ông Khánh, đây chính là điểm cốt lõi của Luật xây dựng sửa đổi nhằm quản lý chặt chẽ đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, khắc phục lãng phí thất thoát, nâng cao chất lượng công trình.
Từ phương thức này dẫn đến một loạt điều khoản quy định và quản lý. Theo đó, đặt ra vấn đề đổi mới cốt lõi thứ bốn của Luật Xây dựng sửa đổi, đó là:
Đổi mới cơ chế quản lý chi phí nhằm quản lý chặt chẽ chi phí đầu tư xây dựng từ nguồn vốn nhà nước, bảo đảm sự bình đẳng về quyền và nghĩa vụ từ các chủ thể tham gia qua hợp đồng xây dựng.
Năm là, thống nhất quản lý nhà nước về trật tự xây dựng thông qua việc cấp giấy phép xây dựng, bảo đảm công khai, minh bạch về quy trình, thủ tục cấp giấy phép xây dựng.
Điểm mới trong chương này chính là quy định trường hợp được miễn giấy phép xây dựng cho nhiều trường hợp, cụ thể: công trình xây dựng thuộc dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; nhà ở thuộc dự án phát triển đô thị, dự án phát triển có quy mô dưới 7 tầng và tổng diện tích sản dưới 500m2.
"Đặc biệt quy định việc cấp giấy phép xây dưng sẽ được thực hiện theo cơ chế một cửa liên thông nhằm rút ngắn thời gian, tránh gây phiền hà cho dân và doanh nghiệp", Thứ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Điểm thứ sáu, Thứ trưởng Xây dựng Khánh cho biết: Luật Xây dựng sửa đổi xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng, phân công, phân cấp hợp lý giữa các bộ, ngành, địa phương.
Theo đó, những quy định mới ở nội dung này sẽ xác định xoay quanh nội dung quản lý nhà nước về hoạt động đầu tư xây dựng, trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.
Theo Mạnh Nguyễn
 Diễn Đàn Đầu Tư